DIỄN ĐÀN HÓA HỌC _ ĐẠI HỌC TRÀ VINH
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
DIỄN ĐÀN HÓA HỌC _ ĐẠI HỌC TRÀ VINH

Diễn đàn Hóa Học sinh viên Trường Đại Học Trà vinh.
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Khoa học và ngụy khoa học-p3

Go down 
Tác giảThông điệp
langthang
Đại Tướng
Đại Tướng
langthang


Tổng số bài gửi : 173
Join date : 03/12/2010
Đến từ : Miền Đất Chết

Khoa học và ngụy khoa học-p3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Khoa học và ngụy khoa học-p3   Khoa học và ngụy khoa học-p3 EmptySat Dec 04, 2010 2:04 am

Khoa học và ngụy khoa học-p3
Cần nói thêm là những đặc tính của ngụy khoa học được trình bày dưới đây không phải là một danh sách đầy đủ, nhưng ít ra chúng ta cũng có một ý niệm khá rõ ràng về giới làm công tác khoa học. Nếu một hay một số đặc tính này hiện diện trong bất cứ một tài liệu nào thì đó là triệu chứng của ngụy khoa học. Mặt khác, nếu một tài liệu không có những đặc tính đó vẫn có thể là một ngụy khoa học, bởi vì nhà ngụy khoa học có thể đã sáng chế ra một cách thức mới để lường gạt chính họ. Những đặc tính dưới đây là một số điều kiện đủ, hơn là những điều kiện cần, để nhận diện ngụy khoa học.

Thứ nhất, giới ngụy khoa học thường có khuynh hướng lãnh đạm, thờ ơ trước sự thật và cơ sở lập luận. Chúng ta biết rằng những nhà viết tiểu thuyết hay sáng chế ra những "sự thật ma" – những "sự thật" mà Norman Mailer gọi một cách dí dỏm và văn chương là "factoid" (tức giống-sự-thật), mà không cần phải đi đâu xa để tìm hiểu thực tế ra làm sao. Ấy thế mà cái cách làm việc của những nhà viết tiểu thuyết đó lại được giới làm ngụy khoa học trân trọng. Nhà ngụy khoa học chẳng cần tốn công đi vào thực tế để thu thập dữ kiện (data) thật mà chỉ đưa ra những dữ kiện ma, và từ đó đúc kết thành kết luận. Một khi đã có kết luận, họ cũng chẳng cần phải duyệt lại kết luận đó đúng hay sai. Các sách về khoa học luôn luôn được cập nhật hóa đều đặn, chiếu theo những dữ kiện mới; ngược lại sách của giới ngụy khoa học thì chẳng bao giờ thay đổi, cứ hết tháng này sang năm nọ, vẫn những dữ kiện ma, vẫn những kết luận cứng như đá.

Thứ hai, những "nghiên cứu" ngụy khoa học hầu như lúc nào cũng mang tính rời rạc, chấp nối. Tức là, nhà ngụy khoa học chỉ cắt xén một mớ bản tin trong các tờ báo dành cho công chúng, thu thập những tin đồn, đọc những tài liệu ngụy khoa học khác, hay trích dẫn từ kinh thánh hay những chuyện thần thoại. Họ cũng chẳng thèm tốn công kiểm tra nguồn gốc và tính chính xác của tài liệu mà họ dùng. Nhà ngụy khoa học hầu như không bao giờ làm những cuộc điều tra khoa học cho có hệ thống và độc lập trước khi kết luận, mà thường hay kết luận trước khi thu thập dữ kiện.

Thứ ba, giới làm ngụy khoa học thường bắt đầu bằng một giả thuyết cảm tính, hay một giả thuyết có thể làm hấp dẫn và kích động công chúng. Rồi từ đó, họ tìm những tin tức, dữ kiện – bất cứ dữ kiện nào – để làm nền tảng cho niềm tin của họ. Họ sẵn sàng bỏ qua những bằng chứng nào mâu thuẫn với niềm tin của họ. Nói rõ hơn, giới làm ngụy khoa học cố gắng hợp lí hóa những niềm tin của họ, chứ không màng đến những điều tra và tìm hiểu sự kiện một cách nghiêm túc, và cũng chẳng cần phải cân nhắc những tình huống khả dĩ khác nhau. Giới làm ngụy khoa học rất thiếu kiên nhẫn, lúc nào họ cũng nhấp nhỏm nhảy đến kết luận mà họ đã có sẵn từ trước, và sẵn sàng nghiền nát những trục ý thức hệ khác mình.

Thứ tư, ngụy khoa học hoàn toàn không quan tâm đến những tiêu chuẩn về bằng chứng. Đối với giới làm ngụy khoa học, họ không cần biết và chẳng cần làm những thử nghiệm có ý thức và có phương pháp để thu thập dữ kiện; thay vào đó, họ dựa vào những nguồn tin không ai kiểm chứng được, những đồn đại, những câu chuyện không có nguồn gốc rõ ràng, và giai thoại mơ hồ. Họ không muốn và ít khi nào đề cập đến những tài liệu khoa học xác thực trong các tập san khoa học chuyên môn. Nói chung, giới làm ngụy khoa học không bao giờ trưng bày những bằng chứng khoa học với những tiêu chuẩn khắc khe để làm nền tảng cho những phát biểu của họ.

Thứ năm, ngụy khoa học dựa vào những giá trị chủ quan. Trong mỗi giai đoạn phát triển thế giới, con người có khuynh hướng thích một phương pháp thu thập kiến thức để tìm hiểu thế giới chung quanh mình. Có một thời (trước khi khoa học ra đời) người ta thường hay dựa vào ý kiến của những người có thẩm quyền, như Jesus chẳng hạn, để giải thích sự kiện. Ngày nay, phương pháp thông dụng nhất, ít ra là trong thế giới văn minh, là phương pháp khoa học, và theo phương pháp này, người ta chỉ có thể phán xét dựa vào dữ kiện được thu thập một cách khách quan. Ông Nguyễn xức dầu lên đầu và hết nhức đầu. Đối với ngụy khoa học, dầu đó có công hiệu chữa chứng nhức đầu. Đối với khoa học, sự kiện trên không có ý nghĩa gì cả, bởi vì đó không phải là một thử nghiệm. Có nhiều sự kiện xảy ra khi ông Nguyễn hết nhức đầu: trăng tròn, một con chim bay ngang đầu, cửa sổ mở, ông Nguyễn mặc áo màu đỏ, v.v. – và chứng nhức đầu của ông Nguyễn chắc sẽ tự nhiên hết mà không có một sự kiện gì ảnh hưởng cả. Một cuộc thử nghiệm lâm sàng có thể sẽ phân chia những bệnh nhân bị chứng nhức đầu thành hai nhóm (một được điều trị bằng thuốc A và một nhóm không được điều trị) nhưng trong cùng hoàn cảnh, và thu thập dữ kiện để so sánh.

Thứ sáu, ngụy khoa học đơn giản hóa vấn đề đến một độ ngớ ngẩn. Đối với họ, những lí thuyết không có giá trị vì lí thuyết thường phức tạp và trừu tượng mà họ có khi không cách gì hiểu được. Thành ra, họ tìm mọi cách đơn giản hóa vấn đề thành những trắng/đen, có/không, đúng/sai, bạn/thù, và từ đó khái quát hóa cho xã hội. Bởi vì họ chủ trương đơn giản hóa vấn đề, nên giới ngụy khoa học thường dựa vào những thông tin không đầy đủ về thiên nhiên, hơn là dựa vào những gì mà người ta biết được hiện tại. Một con số ở một vùng cao nguyên Việt Nam có thể khái quát hóa cho cả nước Việt Nam, và họ hài lòng với một nhận định như thế. Họ sẵn sàng tuyên bố những điều giật gân, đề ra những lí thuyết quái dị trái ngược lại với những gì mà chúng ta biết về thiên nhiên. Nếu ông Nguyễn nhìn thấy một vật lạ bay trên bầu trời mà ông không biết nó là gì thì cách tốt nhất là ông chỉ phát biểu y như thế. Nhưng đối với ngụy khoa học, họ sẽ dùng quan sát này của ông Nguyễn để làm bằng chứng cho rằng có những chiếc máy bay từ hành tinh khác!

Thứ bảy, ngụy khoa học không bao giờ dám đưa những phát biểu của họ vào môi trường thử nghiệm. John Stuart Mill từng nói "Nếu có một khoa học mà tôi có thể đề xướng, tôi nghĩ đó là khoa học của khoa học, tức là khoa học nghiên cứu, hay phương pháp." Phương pháp khoa học ở đây là phương pháp nghiên cứu, thử nghiệm, và suy luận. Trong khoa học chân chính, mọi lí thuyết, giả thiết, ý kiến đều phải được thử nghiệm trước khi đưa ra kết luận. Nhưng đối với giới làm ngụy khoa học, thử nghiệm là một điều xa lạ, họ ít hay không khi nào làm những thí nghiệm, điều tra cẩn thận, có phương pháp để tự thuyết phục họ. Thay vào đó, họ thích phớt lờ đi những kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học thật khác tiến hành. Nếu một nhà ngụy khoa học nhận là đã tiến hành một thử nghiệm, các nhà ngụy khoa học khác không khi nào lặp lại nghiên cứu đó, nhất là khi kết quả của nghiên cứu nguyên thủy bị "mất" hay "trong tình trạng chất vấn". Ngay cả chính họ, giới ngụy khoa học, cũng không màng lặp lại thử nghiệm của chính mình.

Thứ tám, ngụy khoa học không cần biết đến phân tích thống kê. Những sự kiện xảy ra hàng ngày, dù là bệnh tật, mức độ ô nhiễm môi trường, hay mức độ trồi sụt của thị trường kinh tế, không bao giờ bất biến, mà luôn thay đổi theo thời gian, theo môi trường, và các yếu tố ngẫu nhiên. Do đó khi thu thập dữ kiện, người làm khoa học chân chính phải cân nhắc kỹ càng những khía cạnh như số lượng dữ kiện, thời gian theo dõi, và những yếu tố liên quan. Một khi đã có những dữ kiện này, nhà nghiên cứu phải dùng các phương pháp thống kê để phân tích xác định xem bao nhiêu mức độ biến chuyển của những dữ kiện đó là do các yếu tố ngẫu nhiên gây nên, và bao nhiêu là do các yếu tố không ngẫu nhiên tạo thành; từ đó, nhà nghiên cứu mới dám đưa ra một nhận xét hay một kết luận mà các yếu tố ngẫu nhiên đã được loại bỏ. Nhưng đối với những người hành nghề ngụy khoa học, chỉ một bằng chứng là đủ, không cần phải thu thập thêm bằng chứng; hay có thu thập thêm, nhưng họ không màng đến phân tích dữ kiện bằng các phương pháp toán học và thống kê học, vì họ cho rằng những phương pháp này quá … phức tạp. Thực ra, họ cũng chẳng biết đến những nguyên tắc để thẩm định dữ kiện, nên nếu vớ được một mẫu tin nào là dùng ngay mà không cần xem xét nó đúng hay sai.

Thứ chín, ngụy khoa học thường thích dựa vào ý kiến của những người mà họ cho là có thẩm quyền (trong tiếng Anh cái này gọi là "appeal to authority"). Trong khoa học chân chính, trích dẫn ý kiến người khác hay tham khảo tài liệu nghiên cứu của những người đi trước là nhằm tạo thêm nền tảng cho lập luận, để so sánh và cân nhắc, và ghi nhận đóng góp của họ. Nhưng trong giới ngụy khoa học, việc trích dẫn thường được lạm dụng như là một sự đe dọa, một loại lạm dụng quyền lực. Một người học về kỹ thuật cũng có thể chấp nhận là một chuyên gia trong y học, nghiên cứu khoa học. Nếu bí quá không có bằng chứng gì rõ ràng, giới ngụy khoa học bèn giải thích bằng những âm mưu huyền bí nào đó. Tại sao Giáo sư A không bàn về đề tài X nhỉ? À, theo giới ngụy khoa học, vì ông ta đồng loã với chính quyền để dấu nhẹm vấn đề! Nhưng họ không cần biết Giáo sư A không phải là chuyên viên về đề tài X. Một cách suy bụng ta ra bụng người!

Thứ mười, ngụy khoa học có xu hướng giải thích theo kiểu "tùy cơ ứng biến." Bởi vì giới làm ngụy khoa học không bao giờ phát triển được một lí thuyết có nền tảng dựa vào sự thật, tiêu chuẩn, nên họ luôn diễn dịch sự kiện tùy theo từng hoàn cảnh và thậm chí theo từng nền văn hóa. Một câu nói trong Kinh Thánh có thể được diễn dịch tùy theo người muốn hiểu nó, và áp dụng tùy theo trường hợp. Một con số 9/11 ở Mỹ có thể diễn dịch thành 11/9 ở Âu châu hay Úc châu để cho ra những suy luận càn rỡ, huyền bí về khủng bố. Ngoài ra, giới ngụy khoa học chỉ cho chúng ta một câu chuyện, và chỉ là một câu chuyện; họ không mô tả những tiến trình khả dĩ cho câu chuyện. Ví dụ như nhà ngụy khoa học Velikovski tuyên bố rằng một hành tinh khác đang tiến gần đến trái đất và sẽ làm cho trái đất đảo ngược, nhưng ông ta không giải thích tại sao.
Về Đầu Trang Go down
 
Khoa học và ngụy khoa học-p3
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Khoa học và ngụy khoa học-p4
» Khoa học và ngụy khoa học
» Khoa học và ngụy khoa học-p2
» Khi các nhà khoa học gật đầu và mỉm cười
» Phương pháp trình bày bài báo khoa học (PII)

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
DIỄN ĐÀN HÓA HỌC _ ĐẠI HỌC TRÀ VINH :: OTHERS-
Chuyển đến